2021-04-22
Ngành Luật kinh tế đang trở thành một ngành "hot" thu hút nhiều bạn trẻ theo học bởi đây là ngành học có nhiều cơ hội việc làm và có nhiều tiềm năng phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Vậy ngành Luật kinh tế là gì và ngành này sau khi ra trường làm công việc gì? là những vấn đề được nhiều phụ huynh và học sinh đặc biệt quan tâm. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về ngành học này để các bạn học sinh trước ngưỡng cửa đại học tham khảo trước khi lựa chọn ngành học cho mình.
Luật kinh tế (tiếng Anh là Economic Law) là một bộ phận của pháp luật về kinh tế, là hệ thống các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình tổ chức và quản lý kinh tế của nhà nước và trong quá trình sản xuất kinh doanh giữa các chủ thể kinh doanh với nhau. Luật kinh tế ra đời nhằm duy trì và giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh, thương mại cũng như đảm bảo quy trình hoạt động của các doanh nghiệp trong quá trình trao đổi, giao thương cả trong nước và quốc tế.
Ngành Luật kinh tế cung cấp cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về pháp luật, thực tiễn pháp lý, pháp luật trong kinh doanh; khả năng nghiên cứu và xử lý những vấn đề pháp lý đặt ra trong thực tiễn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
Phân biệt ngành Luật và ngành Luật kinh tế:
- Ngành Luật cung cấp kiến thức luật ở hầu hết các lĩnh vực. Bên cạnh các lĩnh vực luật như ngành luật kinh tế, ngành luật còn cung cấp kiến thức luật hôn nhân gia đình, quy định chung về tài sản, thừa kế, luật hình sự phần tội phạm, luật môi trường, tội phạm học...
- Ngành Luật kinh tế trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản về hầu hết các luật, trong đó tập trung vào các luật liên quan đến lĩnh vực thương mại và các vấn đề kinh tế.
Một số môn học then chốt trong chương trình đào tạo ngành Luật kinh tế: Luật sở hữu trí tuệ, Pháp luật về doanh nghiệp, Luật thương mại, Luật cạnh tranh, Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Thủ tục đăng ký doanh nghiệp và thủ tục đầu tư, Phá sản và giải quyết tranh chấp trong hoạt động kinh doanh, Pháp luật kinh doanh bất động sản, Luật đầu tư, Pháp luật về đầu tư xây dựng...
Học ngành Luật kinh tế, khi ra trường bạn dễ dàng chọn lựa những việc làm với mức lương hấp dẫn và có khả năng thăng tiến cao. Cử nhân Luật kinh tế có thể đảm nhận các vị trí như:
- Chuyên gia tư vấn pháp lý, phân tích, đánh giá, giải quyết các vấn đề phát sinh trong kinh doanh, các hoạt động kinh doanh và đảm bảo các hoạt động của tổ chức đúng chủ trương, chính sách của nhà nước và các công ước quốc tế có liên quan đến lĩnh vực kinh tế;
- Chuyên viên thực hiện các dịch vụ pháp lý của luật sư hoặc người hành nghề luật sư;
- Chuyên viên tư vấn pháp luật, chuyên viên lập pháp, hành pháp và tư pháp;
- Nghiên cứu, giảng dạy về pháp luật kinh tế.
Với các công việc trên, bạn có thể khẳng định năng lực của mình tại:
- Các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, xã hội;
- Cơ quan nhà nước các cấp;
- Hệ thống tòa án nhân dân, các trung tâm trọng tài thương mại và các đơn vị cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý;
- Các viện nghiên cứu, đơn vị giáo dục.
Trên thị trường pháp lý Việt Nam hiện nay, mức lương trung bình của luật sư tại các văn phòng luật sư nổi tiếng, hoặc luật sư kinh tế tại các công ty tư nhân như sau:
- Chưa có kinh nghiệm: Từ 4 - 6 triệu đồng/ tháng;
- Kinh nghiệm từ 1 - 3 năm: Trên 6 triệu đồng/ tháng;
- Kinh nghiệm từ 3 - 5 năm: Trên 10 triệu đồng/ tháng;
- Kinh nghiệm từ 5 - 10 năm: Trên 20 triệu đồng/ tháng;
- Mức lương của vị trí Partner/trưởng phòng: Từ 30 - 40 triệu đồng/ tháng và phần trăm doanh thu;
- Mức lương của vị trí Managing Partner/Giám đốc: Tùy thuộc vào doanh thu của công ty;
- Ngoài ra, tùy thuộc vào các vị trí khác nhau, năng lực, kinh nghiệm làm việc và công ty, đơn vị làm việc của bạn mà có mức lương có thể khác nhau.
Để theo học và thành công trong ngành Luật kinh tế, bạn cần phải có những tố chất và kỹ năng sau:
- Có suy nghĩ thấu đáo, tính trung thực, công bằng và khách quan trong công việc;
- Có kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, giải quyết vấn đề;
- Có khả năng phán đoán, tư duy phân tích và logic;
- Có trình độ ngoại ngữ cao;
- Có trí nhớ tốt, năng động, sáng tạo, bản lĩnh vững vàng;
- Chăm chỉ, kiên trì và nhẫn nại.
Ngành Luật kinh tế được đánh giá là một ngành học có nhiều triển vọng nghề nghiệp trong tương lai, bởi ngành này đang cần nhiều nguồn nhân lực giỏi. Hy vọng những thông tin hữu ích trong bài viết sẽ giúp các bạn đưa ra được quyết định có nên học ngành Kinh tế luật hay không.
Đồng hành cùng với ngành Khoa học cây trồng để bảo vệ thành quả sản xuất, ngành Bảo vệ thực vật giữ vai trò quan trọng trong nhóm ngành Nông nghiệp. Ngành học này cũng được nhiều thí sinh quan tâm và chọn lựa. Để giúp bạn tìm hiểu thông tin ngành học, bài viết xin chia sẻ thông tin cần biết về ngành Bảo vệ thực vật.
Công nghệ kỹ thuật cơ khí là một trong những ngành then chốt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn cầu. Đây là ngành tham gia vào các khâu từ máy móc vận hành cho đến dây chuyền sản xuất hoạt động dưới mặt đất, trên bề mặt biển trên không gian và cả ngoài vũ trụ. Vậy ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí là gì? Trường nào đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ khí ? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Hiện nay, nhu cầu nâng cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng ngày càng được quan tâm và phát triển. Chính vì vậy, nhu cầu nhân lực ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng ngày càng cao, đây cũng là ngành học nhiều bạn thí sinh quan tâm và chọn lựa. Dưới đây, bài viết xin chia sẻ thông tin tổng quan ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng.